Chùa Tam Chúc Hà Nam - Ngôi chùa lớn nhất thế giới

Những năm gần đây, chùa Tam Chúc - Hà Nam được du khách du lịch khắp cả nước đặc biệt chú tới không chỉ bởi đây là ngôi chùa lớn nhất thế giới với cảnh quan hùng vĩ, nên thơ mà còn mang trong mình hàng loạt những kỷ lục khiến du khách bất ngờ

1, Chùa Tam Chúc - Ngôi chùa Lớn nhất Thế giới với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ

Chùa nằm ở thị trấn Ba Sao, Khả Phong Kim Bảng, Hà Nam. Toàn bộ quần thể chùa có tổng diện tích 5000 ha, với khoảng 1.000ha diện tích hồ nước, 3.000ha diện tích núi đá, rừng tự nhiên và khoảng 1.000ha thung lũng, có 3 mặt bao bọc bởi núi, sau là núi Thất Tinh, trước là hồ Lục Nhạc. 

Chùa Tam Chúc được đánh giá là điểm đến tâm linh hấp dẫn, kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp cổ kính của chùa với vẻ đẹp hữu tình thơ mộng của non nước bao la -  là ngôi chùa có diện tích lớn nhất thế giới. So với chùa Bái Đính (ngôi chùa được coi là có diện tích lớn nhất Việt Nam), chùa Tam Chúc có diện tích gấp 10 lần.

Mặc dù là một khu du lịch tâm linh mới, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, tuy nhiên 2 năm trở lại đây hàng chục triệu lượt du khách thập phương từ khắp nơi đã  tìm đến Lễ Phật và vãn cảnh chùa đặc biệt sau Đại Lễ Phật Đản Vesak tổ chức tại Chùa 2019 tháng vừa qua. 

2, Chùa Tam Chúc và truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - hậu Thất tinh

 

Chùa Tam Chúc hiện nay được xây dựng trên nền của chùa Tam Chúc cổ, theo các hiện vật thu thập được, các nhà khảo cổ kết luận rằng ngôi chùa cổ này đã có niên đại hơn 1000 năm.

Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc - hậu Thất tinh”. Tương truyền rằng: xưa trên ngọn núi gần làng Tam Chúc xuất hiện 1 đốm sáng lớn hệt như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày, dân làng gọi tên là núi Thất Tinh, ngôi chùa được xây dựng gần đó nên gọi là chùa Thất Tinh.

Sau đó, 1 số người đã đến núi Thất Tinh đục đẽo nhằm tìm kiếm và lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt này. Họ chất củi thành đống lớn và đốt liên tục nhiều ngày liền khiến 4 ngôi sao trong số đó bị mờ dần và biến mất, chỉ còn lại 3 ngôi sao. Sau đó, chùa Thất Tinh được đổi tên thành chùa Ba Sao  thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.

3, Những khu vực chính của chùa Tam Chúc

Chùa Ngọc - Đàn Tế trời

Được xây dựng trên đỉnh ngọn núi Thất Tinh với 200 bậc thang làm bằng đá.Trong chùa hiện đang đặt 3 bức tượng Phật được làm hoàn toàn từ đá granit, nhập khẩu từ Ấn Độ về cùng với một pho tượng Phật được làm bằng ngọc vô cùng quý hiếm.

Điện Tam Bảo

Điện Tam Bảo có diện tích rất lớn lên đến 5100m2 và có thể chứa được cùng một lúc khoảng 5000 người. Bên trong điện có 3 bức tượng Phật được làm bằng đồng. Mỗi bức có trọng lượng lên đến 80 tấn. Phía sau mỗi bức tượng Phật là một cánh sen dát vàng.

Điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni

Nơi đặt bức tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn. Đây cũng là bức tượng Phật lớn nhất tại Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại.

Vườn Kinh

Với 99 chiếc cột được làm bằng đá. Mỗi chiếc cột tại đây có trọng lượng lên tới 200 tấn và cao 13,5m. Trên mỗi cột lại được khắc những bài kinh để du khách đến đây tham quan có thể vừa ngắm nhìn, vừa tụng kinh cầu nguyện.

Đình Tam Chúc

Đây là khu vực thờ hoàng hậu nhà Đinh có tên Dương Thị Nguyệt. Theo tương truyền trước kia trong cuộc chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã đến đây để chiêu mộ binh mã. Khi thắng trận và lên ngôi hoàng đế, nhà vua đã ra lệnh cho xây đền thờ tại đây.

4, Những điều đặc biệt chỉ có ở Chùa Tam Chúc

Hàng ngàn bức tranh đá núi đá lửa với những thông điệp khác nhau

Khi đến với Tam Chúc, các bạn sẽ bị choáng ngợp trước rất nhiều những bức tranh đá núi lửa được chế tác dưới bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân Indonesia. Ngay trong Điện Tam Thế là 12.000 bức tranh đá nham thạch được chạm khắc tinh xảo tái hiện lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn ở Điện Giáo Chủ là 10.000 bức tranh kể về từng giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật. Và Điện Quán Âm là 8500 bức tranh kể về sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát. 

“Đây vừa là nghệ thuật vừa là mô tả về những lời dạy của Đức Phật về giáo lý, triết lý nhân sinh. Từ những bức tranh, quý Phật tử có thể hiểu được những nội dung muốn nói gì, muốn diễn tả gì". Hòa thượng Thích Quang Minh cho biết.

Cây Bồ đề thiêng từ đất Phật

Cây bồ đề đặc biệt mà Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka tặng cho Việt Nam là cây bồ đề được chiết ra từ “Cây Bồ Ðề Vĩ Ðại Cát Tường” (Jaya Sri Maha Bodhi) có tuổi thọ cao nhất thế giới hiện nay ở Thánh tích Mahamegha, (Sri Lanka). Hiện trên thế giới, Việt Nam là nước thứ 2 sau Nepal được tặng cây quý này.

Khối thiên thạch mặt trăng lớn nhất

Chùa Tam Chú hiện đang trưng bày mảnh thiên thạch từ mặt trăng  nặng 5 Kg vô cùng quý hiếm. Các chuyên gia về không gian vũ trụ phỏng đoán, khối thiên thạch này đã bị bật ra khỏi bề mặt mặt trăng, rơi xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017.

Vườn kinh Khổng lồ độc nhất vô nhị

Khuôn viên của ngôi chùa thiết lập một vườn cột kinh khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn làm từ đá xanh Thanh Hóa. Đây là ý tưởng lấy từ cột kinh Phật - Bảo vật quốc gia tại chùa Nhất Trụ - Ninh Bình.

Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và cuộc sống phồn vinh.

Sân điện Tam Thế được đặt một chiếc vạc rất lớn được đúc phỏng theo vạc Phổ Minh – một trong An Nam tứ đại khí - xung quanh vạc có các hình ảnh được chạm khắc như: Quần thể chùa Bái Đính; quần thể chùa Tam Chúc; hành cung Vũ Lâm nhà Trần 1285; Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An - Ninh Bình; chùa Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa – Khánh Hòa; bức tượng khắc nổi và tiểu sử của Thiền sư Nguyễn Minh Không – vị sư tổ đầu tiên chùa Bái Đính.

Tượng Phật hồng ngọc nặng 4000Kg

Bức tượng đức Phật A Di Đà bằng hồng ngọc nặng 4.000 kg. Toàn bộ khối ngọc để chế tác tượng Phật nhập khẩu từ Myanmar được trung bày bên trong chùa Ngọc."Chùa làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, nặng hơn 2.000 tấn, do 200 nghệ nhân nổi tiếng của Ấn Độ thiết kế, lắp ráp trong hơn một năm. Điều đặc biệt, các khớp nối không phải dùng đến xi măng, keo dính mà sử dụng mộng đá", Thượng tọa Thích Minh Quang (chùa Tam Chúc) cho biết.

Chùa Tam Chúc không chỉ là niềm tự hào của những người dân Hà Nam mà còn là niềm tự hào của cả đất nước Việt Nam. Những ai đã lỡ hẹn lễ chùa Tam Chúc dịp đầu năm, thì có thể đến Tam Chúc mùa Hè để thưởng ngoạn không khí trong lành, và cảnh sắc sơn thủy - hữu tình ở đây nhé!
 

Facebook Chat